442 Nguyễn Tri Phương - Phường 4 - Quận 10 - TP.HCM

Hotline 079 3935 973

Tiền tiểu đường khác với bệnh tiểu đường như thế nào?

Mặc dù tiền tiểu đường chưa hẳn là bệnh tiểu đường thực sự, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nó có thể làm phát triển bệnh tiểu đường loại 2 và một số biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe của bạn.

1. Tiền tiểu đường khác với bệnh tiểu đường như thế nào?

Tiền tiểu đường là một tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn trên mức bình thường nhưng không đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường loại 2. Thông thường, mức đường huyết lúc đói nếu dao động từ 110 – 125 mg / dL thì sẽ được coi là nằm trong phạm vi tiền tiểu đường. Nếu lượng đường trong máu dưới 110 mg /dL là bình thường, và lớn hơn 126 mg / dL là bệnh tiểu đường.

Sự thay đổi bất thường trong mức đường huyết thường xảy ra khi các mô của cơ thể không phản ứng tốt với tín hiệu hormone insulin (được tiết ra từ tuyến tụy) để hấp thụ đường từ máu. Ngoài ra, cơ thể cũng không sản xuất đủ insulin để có thể khắc phục được phản ứng yếu của mô với insulin.

Mặc dù tiền tiểu đường chưa hẳn là bệnh tiểu đường thực thụ, tuy nhiên nó vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tim và hệ tuần hoàn của cơ thể trong một thời gian dài. Nó chính là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn làm khởi phát bệnh tiểu đường ở những người khỏe mạnh. Thậm chí, tiền tiểu đường cũng làm tiến triển tình trạng xơ cứng động mạch vô cùng nguy hiểm.

2. Các triệu chứng phổ biến của tiền tiểu đường

Nếu chỉ qua quan sát thông thường thì rất khó có thể nhận biết được một người nào đó có đang mắc bệnh tiền tiểu đường hay không. Bởi vì những người bị tiền tiểu đường thường không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Để phát hiện ra tiền tiểu đường sẽ phải cần đến các xét nghiệm chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa, chẳng hạn như xét nghiệm máu.

Trong một số trường hợp nhất định, người bệnh có thể có các triệu chứng cho thấy lượng đường huyết tăng cao, bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi
  • Tăng cảm giác khát

Ngoài ra, một số người bị tiền tiểu đường có thể có các dấu hiệu của việc kháng insulin, chẳng hạn như da sẫm màu ở vùng nách, lưng và hai bên cổ, hoặc nổi các nốt mụn nhỏ ở trên da.

Nếu bạn cảm thấy có bất kỳ sự bất thường nào trong cơ thể, hoặc có các triệu chứng được liệt kê ở trên, tốt nhất bạn nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bệnh nhân tiểu đường thường xuyên bị tiểu buốt là bị bệnh gì?
Đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu dễ nhận biết của những người có lượng đường huyết tăng cao

3. Nguyên nhân nào dẫn đến tiền tiểu đường?

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh tiền tiểu đường, tuy nhiên một số cuộc nghiên cứu đã cho thấy dường như yếu tố di truyền học có liên quan đến tình trạng kháng insulin của cơ thể.

Sự rối loạn của các gen kiểm soát insulin khiến cho cơ thể không sử dụng loại hormone này đúng cách, từ đó khiến cho lượng đường dư thừa bị tích tụ lại trong máu, dẫn đến tăng mức đường huyết. Một trong những yếu tố khác cũng làm phát triển bệnh tiền tiểu đường là các chất béo dư thừa trong cơ thể, nhất là mỡ ở vùng bụng.

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường, bao gồm:

*Ít vận động: Việc ít hoạt động thể chất sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường của bạn tăng cao. Do đó, bạn nên tập thể dục thường xuyên mỗi ngày để giúp kiểm soát mức cân nặng, đồng thời giúp chuyển hóa được lượng đường trong máu để cung cấp nguồn năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.

*Thừa cân: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tiền tiểu đường. Khi mô mỡ trong cơ thể càng nhiều, nhất là các mô mỡ tập trung ở bên trong các cơ bắp hoặc vùng da xung quanh bụng, thì sự kháng insulin của các tế bào càng trở nên mạnh hơn.

*Kích thước vòng eo: Sự đề kháng insulin của cơ thể được biểu hiện qua kích thước vòng eo lớn. Vì vậy, nếu kích thước vòng eo của bạn càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường của bạn càng cao. Đối với nữ giới, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu có vòng eo lớn hơn 89 cm, và đối với nam giới là 102 cm.

*Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường sẽ càng cao nếu bạn có người thân trong gia đình, chẳng hạn như bố mẹ, hoặc anh chị em bị mắc bệnh tiểu đường loại 2.

*Chủng tộc: Người da đen, gốc Tây Ban Nha và người châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác.

*Hội chứng buồng trứng đa nang: Đây là một tình trạng thường xảy ra ở nữ giới, đặc trưng bởi rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, béo phì hoặc rậm lông. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường ở phụ nữ.

Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường ở phụ nữ

*Tiểu đường thai kỳ: Nếu phụ nữ khi mang thai mắc bệnh tiểu đường, thì nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thực sự sau này sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu bạn sinh con có cân nặng hơn 4,1 kg thì nguy cơ mắc tiểu đường của bạn cũng rất cao.

*Chất lượng giấc ngủ: Một số vấn đề về giấc ngủ, ví dụ như chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin của cơ thể. Những người dễ mắc phải vấn đề này thường làm việc trong môi trường thường xuyên thức đêm nhiều, hoặc đồng hồ sinh học bị xáo trộn. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2.

4. Các biến chứng của bệnh tiền tiểu đường

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tiền tiểu đường không được điều trị sớm là bệnh tiểu đường loại 2. Sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 cũng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng khác, bao gồm:

  • Bệnh tim
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh thận
  • Đột quỵ
  • Mức cholesterol cao
  • Cắt cụt chi
  • Mù lòa

Tiền tiểu đường có luôn tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2 không?

Không phải lúc nào tiền tiểu đường cũng có thể phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Bởi những người thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn, thường xuyên tập thể dục và duy trì mức cân nặng hợp lý có thể giúp giảm đáng kể được lượng đường trong máu, thậm chí có thể đưa đường huyết về mức bình thường.

Thực tế, việc phát hiện sớm bệnh tiền tiểu đường có thể mang đến cơ hội tốt giúp bạn nhanh chóng thay đổi lối sống của mình trở nên tích cực hơn để ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

Chẩn đoán bệnh tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường chỉ có thể phát hiện được thông qua các xét nghiệm máu chẩn đoán, vì hầu hết những người mắc tiền tiểu đường đều không biểu hiện ra các triệu chứng cụ thể.

Dưới đây là một số xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh tiền tiểu đường, bao gồm:

*Xét nghiệm Glycated hemoglobin (HbA1C): Loại xét nghiệm máu này giúp đo lượng đường trong máu trung bình của bạn trong khoảng 2-3 tháng vừa qua. Xét nghiệm HbA1C sẽ đo tỷ lệ đường huyết gắn với một loại protein – được gọi là hemoglobin, giữ vai trò vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu của cơ thể. Nếu nồng độ đường huyết càng cao thì càng có nhiều hemoglobin gắn với đường. Khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy mức HbA1C dao động từ 6 – 6.5% thì tức là bạn đang mắc bệnh tiền tiểu đường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi mang thai, xét nghiệm HbA1C có thể cho kết quả không đúng. Vì vậy, bạn có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác để xác định chính xác tình trạng của mình.

*Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Đối với loại xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu của bạn để kiểm tra, với điều kiện bạn đã nhịn đói ít nhất 8 tiếng hoặc qua một đêm.

*Dung nạp glucose đường uống: Loại xét nghiệm này cũng được thực hiện trong điều kiện bạn đã nhịn đói ít nhất 8 giờ, hoặc qua đêm. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bạn uống một loại dung dịch có chứa đường, và đo lại nồng độ đường huyết của bạn sau 2 giờ.

xét nghiệm CKMB
Tiền tiểu đường chỉ có thể phát hiện được thông qua các xét nghiệm máu chẩn đoán

5. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh tiền tiểu đường?

Để ngăn ngừa bệnh tiền tiểu đường, bạn nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống hợp lý và lạnh mạnh, bao gồm ăn nhiều rau, giảm tiêu thụ carbs, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường và các thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, bạn cũng nên cố gắng tăng cường các hoạt động thể chất của mình để đẩy lùi các tác nhân làm phát triển tiền tiểu đường. Mỗi ngày, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút, hoặc đi bộ khoảng 10.000 bước. Việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể của bạn sử dụng insulin một cách hiệu quả hơn, từ đó làm giảm được lượng đường trong máu xuống mức bình thường. Hơn nữa, các hoạt động thể chất cũng rất có lợi trong việc giảm hoặc duy trì cân nặng, góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường loại 2.

Giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Một giấc ngủ ngon và đủ giấc không chỉ giúp bạn có một tinh thần tỉnh táo để làm việc hiệu quả mà còn ngăn ngừa nguy cơ mắc tiền tiểu đường.

Copyrights © 2022 Prodidy. All rights reserved.
  • Online: 5
  • Tuần: 1664
  • Tháng: 10198
  • Tổng: 941973
Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 079 3935 973
079 3935 973

máy đo đường huyết

máy theo dõi đường huyết

máy kiểm tra đường huyết